![]() |
Học để trưởng thành
Ở nước ngoài, việc học tập bắt đầu bằng rèn luyện kỹ năng học thuật. Không chỉ ồ ạt một đợt đầu năm, lọt vào tai này chui ra tai kia, mà là suốt năm và trong suốt quá trình học hằng ngày, từ những giờ lên lớp và phụ đạo đến những giờ miệt mài tra cứu tư liệu online của nhà trường. |
Đầu tiên, sinh viên được giúp đỡ xác định mục tiêu và lên kế hoạch học tập: làm sao nhìn xa được tương lai của mình, tập trung và kích thích được mọi năng lực cho mục tiêu đó, theo dõi được các tiến bộ, cảm nhận được mình đang kiểm soát diễn biến. Nghe qua tưởng lý thuyết suông, thật ra có những buổi “coaching” (dìu dắt) được tổ chức để giúp sinh viên trả lời một loạt câu hỏi như: Bạn muốn làm gì? Mục đích là gì, có rõ ràng không? Đã làm những gì rồi? Tại sao muốn làm những việc đó? Có đủ năng lực để làm hoặc thay đổi không? Ngoài sức lực bản thân còn cần gì nữa? Nếu không đạt tiến bộ, điều gì sẽ xảy ra?...
Lý thuyết là thế, còn thực tế thì sao? Tuấn, sinh viên 19 tuổi, cho biết không chỉ áp dụng trong việc học mà cả trong đời sống: “Sang Úc, không ai quản lý, không ai bảo ban, ban đầu tôi cũng choáng. Sau một thời gian quen rồi, tôi cũng tìm công việc để đỡ đần cha mẹ bớt vất vả gửi tiền qua. Tôi sắp xếp thời gian, chia giờ học, gặp gỡ các bạn, ra biển câu cá. Song sang đây mục tiêu chính là đi học thì việc học quan trọng hơn cả. Khi có điểm các môn học kỳ, phải xem có đạt yêu cầu đã đề ra chưa. Nếu chưa phải dẹp việc làm, nếu đạt rồi thì có thể tăng”.
Ở VN Tuấn và các bạn thường học nhóm, lập đôi bạn học tập. Sang Úc, Tuấn cùng các bạn được chỉ cách học với người khác như thế nào, làm sao biết lắng nghe người khác một cách tích cực, biết giải quyết những xung đột, hòa giải, biết sử dụng phản hồi... Kết quả của cách giáo dục này có thể thấy qua sự chín chắn của Tuấn cùng nhóm bạn trẻ tuổi chưa đầy 20 cùng trường.
Còn Khải, sinh viên ở ĐH Melbourne, từ VN sang Úc định học y khoa, đến nơi lại chuyển sang học điều dưỡng. Hỏi tại sao, Khải nói sang đây trong giai đoạn học ở MIBT, Khải được hướng dẫn chi tiết hơn nên thấy mình phù hợp với ngành này hơn là học bác sĩ. Vả lại ở Úc nghề điều dưỡng có cuộc sống cũng tươm tất. Mơ, ở Adelaide, thì chọn ngành kiểm toán vì “nghề này ở đâu cũng cần”.
Một cô sinh viên chưa đầy 19 tuổi sang Úc học nghề quản lý khách sạn ở Trường International College of Tourism Management (quản lý du lịch và khách sạn) tại Manly (Sydney), sáng sáng thức dậy lo dọn giường và nhà mình một cách cẩn trọng, tối nào đến phiên phục vụ nhà hàng của trường thì miệt mài làm. Cô sinh viên cho biết: “Học ở đây đóng tiền học cao lắm, phải làm thật tốt mọi thứ từ dọn phòng ốc đến bàn ăn... Kiểm tra phòng mà bê bối là bị trừ điểm ngay. Y phục, ăn nói, cách đi đứng... phải chỉnh tề. Nếu không sau này làm sao thành nghề được!”.
Họ đi xa để học một nghề vào đời chứ không phải học vì một tấm bằng!
(Theo Tuổi Trẻ 24/10/2008)